Ngân sách Nhà nước dành cho y tế phải được điều chỉnh theo hướng đầu tư tập trung cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển và hải đảo nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, nhân lực, bảo đảm cơ hội tiếp cận bình đẳng về chăm sóc sức khỏe cho người dân. Có lộ trình khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn…”; và “Có chính sách hợp lý trong đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ y tế…”. Về cơ bản, tôi tán thành với những nhiệm vụ, phương hướng đã đề cập trong lĩnh vực y tế nói trên. Nhưng nhìn từ thực tiễn, thì cụm từ “Có chính sách hợp lý trong đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ y tế…” như văn kiện nêu còn khá chung chung, nặng về định tính.

Tôi xin góp ý, nên viết là “Đổi mới công tác đào tạo cán bộ y tế, nhất là bác sĩ tiến tới hội nhập với khu vực và thế giới; có chính sách sử dụng và đãi ngộ đặc thù cho cán bộ ngành Y tế, đặc biệt trong các lĩnh vực giám định pháp y, giám định tâm thần, chuyên ngành lao, phong, HIV/AIDS…”. Sở dĩ đặt vấn đề như vậy, vì những nội dung đó rất thiết thực để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn của lĩnh vực y tế hiện nay, đồng thời cũng là yêu cầu cấp thiết trong quá trình hội nhập.

Trên thực tế, nhiều năm qua Bộ Y tế đã tích cực tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu nói trên, nhằm mục tiêu bảo đảm công bằng, giảm chênh lệch trong tiếp cận chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, để đạt tốt hơn nữa các mục tiêu như nói trên trong tình hình mới, thì chúng ta phải giải quyết cho được các thách thức mà các nước cũng như Việt Nam đang gặp phải, đó là:

(1) Nhân lực y tế phân bố mất cân đối theo vùng miền (bác sĩ, dược sĩ đại học chủ yếu tập trung ở Trung ương và tuyến tỉnh; tình trạng dịch chuyển nhân lực y tế từ tuyến dưới lên tuyến trên, về các bệnh viện tại thành phố lớn, từ y tế công sang y tế tư nhân ngày một gia tăng…);

(2) là sự mất cân đối nhân lực y tế ở một số chuyên ngành độc hại, nguy hiểm, như giám định tâm thần, chuyên ngành lao, phong, HIV/AIDS, điều trị chăm sóc người bệnh cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm, xét nghiệm…

Để giải quyết tốt các thách thức này, tôi thấy cần nhấn mạnh tới yếu tố tiên quyết, có ý nghĩa quyết định chính là con người-nhân lực của ngành Y tế, đặc biệt là thu hút nhân lực y tế cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Với mong muốn đó, tôi đề xuất quan tâm thực hiện một số vấn đề:

Thứ nhất, tăng cường năng lực nhân lực y tế cho vùng sâu, vùng xa, nắm bắt kịp thời tác động của các chính sách thu hút và duy trì nguồn nhân lực y tế cho các vùng, miền này để điều chỉnh chính sách cho phù hợp;

Thứ hai, đề nghị Chính phủ ban hành nghị định kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ y tế đặc biệt trong các lĩnh vực: Giám định pháp y, pháp y tâm thần và một số chuyên ngành như: Lao, phong, HIV/AIDS… vì đầu vào nguồn cán bộ trong lĩnh vực và chuyên ngành này rất khó khăn, trong khi để trở thành bác sĩ lành nghề, chuyên gia giám định, kỹ thuật viên giỏi… lại phải mất nhiều năm đào tạo, nên hiện nay số cán bộ này rất thiếu;

Thứ ba, đề nghị có chính sách để công chức, viên chức ngành Y tế được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề theo tinh thần thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Kết luận 42-KL/TW của Bộ Chính trị về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; bên cạnh đó, cần có chính sách nâng lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học, vì bác sĩ có thời gian đào tạo dài 6 năm lại phải trải qua thêm 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề, trong khi sinh viên đại học khác thời gian đào tạo ngắn hơn; tính chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm vào bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính lương hưu vì các yếu tố độc hại, nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động suốt cả quá trình công tác.

Tôi cho rằng, thực hiện tốt các chính sách, đặc biệt là giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, thách thức, chính là con đường ngắn nhất để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế
(Nguồn CAND.COM.VN)